Theo tạp chí Health, ở cấp độ vi sinh vật, hôi miệng xảy ra khi vi khuẩn tự nhiên trong cơ quan này phá vỡ các mảnh thức ăn bám vào giữa răng, dọc theo đường nướu, đặc biệt là trên lưỡi. Quá trình này giải phóng một loạt hợp chất gây mùi khiến hơi thở của chúng ta mất đi sự thơm tho.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây hôi miệng là thói quen bạn làm, thực phẩm bạn ăn hoặc thậm chí đến từ bệnh lý tiềm ẩn bạn đang mắc.
Hội chứng hôi miệng khi thức dậy
Bạn có gặp tình trạng hơi thở nặng mùi vào mỗi buổi sáng dù tối hôm trước đã vệ sinh răng miệng rất kỹ? Trên thực tế, điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu gọi nó là hội chứng hôi miệng khi thức dậy.
Khi bạn ngủ, vi khuẩn trong miệng bắt đầu hoạt động, phân tách, phá vỡ mọi mảnh thức ăn, cặn còn sót lại. Ban đêm, lượng nước bọt được sản xuất ra sẽ thấp hơn so lúc bạn thức. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động mạnh, gây hôi miệng.
Thở bằng miệng
Hít thở bằng miệng khiến khoang miệng bị khô, bay hơi nước bọt, giảm khả năng rửa sạch thức ăn. Nha sĩ Hadie Rifai, chuyên gia tại Cleveland Clinic, cho biết nếu miệng bị khô, nước bọt sẽ không đẩy trôi thức ăn còn sót lại đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phân hủy thức ăn và khiến hơi thở có mùi khó chịu vào sáng hôm sau.
Tình trạng này tồi tệ hơn khi bạn thở bằng miệng, nhất là những người bị nghẹt mũi, viêm họng. Khô miệng mạn tính có thể do tuyến nước bọt gặp vấn đề và nhiều bệnh lý tiềm ẩn khác.
Tỏi, hành tây
Hầu hết thức ăn chúng ta đưa vào cơ thể đều để lại mùi nhất định. Trong đó, tỏi và hành tây đứng đầu bảng trong danh sách các thực phẩm gây hôi miệng. Ngoài ra, theo nha sĩ John Grbic, phòng khám Columbia Doctors, New York, Mỹ, các loại gia vị, bắp cải, súp lơ, củ cải cũng tạo mùi hăng và lưu lại khiến hơi thở của bạn kém thơm tho.
Mùi vị của tỏi, hành tây khó mất đi vì chất allicin, allyl metyl sunfua, cysteine sulfoxide trong hành, tỏi chuyển hóa, sản sinh ra mùi hăng, nồng, hấp thụ vào máu, thải ra ngoài qua phổi, lỗ chân lông trên da. Thậm chí, ở nhiều người, mùi hôi khó chịu này có thể lưu đến 24 giờ trên cơ thể.
Để giải quyết tình trạng này, chúng ta nên uống nhiều nước sau khi ăn, đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng. Táo, bạc hà, rau diếp cũng là thực phẩm giúp trung hòa hành, tỏi, giảm bớt mùi hôi trong miệng.
Bỏ bữa
Theo tạp chí Health, đây là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị hôi miệng. Bởi khi chúng ta không ăn, tuyến nước bọt giảm hoạt động. Tiến sĩ Grbic giải thích tương tự nguyên nhân khiến bạn bị hôi miệng khi thức dậy, nước bọt không thể làm sạch các mảnh vụn thức ăn.
Kết quả, chúng không thể trượt xuống cổ họng, đọng lại trong khoang miệng, tạo cơ hội cho vi khuẩn phân giã và gây ra mùi khó chịu.
Hút thuốc, uống rượu, cà phê
Một nghiên cứu năm 2004 từ các chuyên gia tại Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy người hút thuốc có hàm lượng chất tạo mùi hôi trong miệng, phổi cao. Khói thuốc cũng gây khô miệng, giảm tiết nước bọt – nguyên nhân chính khiến hơi thở có mùi.
Nghiên cứu khác năm 2007 do nhóm tác giả tại Israel thực hiện cho thấy uống rượu liên quan tỷ lệ mắc bệnh hôi miẹng. Các tình nguyện viên đã đánh răng vào buổi sáng, không ăn thêm bất kỳ thực phẩm nào trong vòng 12 giờ. Nhóm tác giả nghi ngờ rượu làm khô miệng và gây mùi khi cơ thể chuyển hóa chất có cồn.
Rượu, cà phê cũng chứa các hợp chất lưu huỳnh, caffeine, làm khô và giảm lượng nước bọt trong miệng, tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn gây mùi tồn tại lâu hơn.
Niềng răng
Không chỉ niềng răng, các thiết bị chỉnh nha như răng giả, nẹp cố định cũng là tác nhân khiến hơi thở của bạn không thơm tho. Tiến sĩ Grbic lưu ý những thiết bị này cần được làm sạch hàng ngày, vì chúng chứa nhiều chi tiết, kẽ hở, tạo cơ hội cho mảnh thức ăn, cặn dư thừa bám vào.
Sỏi amidan
Sỏi amidan là những hạt cặn canxi nhỏ, màu trắng hoặc vàng, hình thành qua quá trình thức ăn thừa tích tụ lại. Chúng không có nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tuy nhiên, sỏi amidan khiến hơi thở có mùi, gây mất tự tin cho nhiều người.
Theo WebMD, sỏi amidan không thể nhìn thấy bằng mắt thường, bạn nên tới nha sĩ để kiểm tra nếu bị hôi miệng dai dẳng.
Bệnh lý về tiêu hóa, răng miệng
Nghiên cứu năm 2007 công bố trên tạp chí Oral Diseases cho thấy một số người bị rối loạn GI như trào ngược dạ dày cũng bị hôi miệng. Bởi bệnh làm tổn thương mô cổ họng, tạo cơ hội cho vi khuẩn hoạt động.
Các vấn đề về tiêu hóa, hô hấp khác như viêm họng, có đờm trong cổ, nghẹt mũi, viêm nướu, sâu răng… cũng dẫn tới tình trạng tương tự.
Một số bệnh lý về rối loạn chuyển hóa
Theo tạp chí Health, người bị tiểu đường type I có thể gặp tình trạng hơi thở mang mùi đường. Đây là dấu hiệu của nhiễm toan ceton do tiểu đường – tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, bệnh nhân tiểu đường dễ bị đau tim, suy thận. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng khá hiếm.
Ngoài ra, người bị các bệnh về gan, thận, dạ dày, nhiễm toan ceton (biến chứng khi bị tiểu đường), hội chứng Sjogren, rối loạn tự miễn khác cũng có thể dẫn đến hiện tượng hơi thở có mùi.
Đặc biệt, khoảng 1% người bị mắc chứng rối loạn sợ hơi thở có mùi. Họ luôn tin rằng mình bị hôi miệng và ám ảnh về nó, ngay cả khi người khác khẳng định là không. Đây là bệnh về tâm lý nên bạn cần tới khám bác sĩ để tìm ra hướng giải quyết càng sớm càng tốt.
Nha khoa Hùng Cường
Địa chỉ: 460 Xương Giang – P. Ngô Quyền – TP Bắc Giang
Hotline: 02046 292929 – 0375 373555 – 0375 377555 – 0375 376555 – 0844 810555
Website chính thức: Nhakhoahungcuong.com.vn
Facebook: Nha khoa Hùng Cường
Youtube: Nha khoa Hùng Cường
Chat trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa: m.me/nhakhoahungcuong.com.vn
Tìm hiểu thêm về dịch vụ Nhổ răng khôn
Tìm hiểu thêm về dịch vụ Trám răng – Chữa tủy