Hôi miệng nặng dù vệ sinh sạch sẽ, do đâu?
Hôi miệng nặng dù vệ sinh sạch sẽ, do đâu?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt – Bác sĩ Nội tổng hợp – Khoa khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Triệu chứng hôi miệng nặng có rất nhiều nguyên nhân, thông thường nhất là tại răng – nướu – lưỡi tại chỗ, rồi đến nguyên nhân tai mũi họng, một số bệnh lý đường tiêu hóa và đường hô hấp cũng biểu hiện bằng hôi miệng (hơi thở hôi).
1. Nguyên nhân hôi miệng nặng dù vệ sinh sạch sẽ
Bệnh hôi miệng là một chứng bệnh khi miệng một người phát ra hơi thở có mùi hôi hoặc mùi khó chịu khi nói. Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai và ở bất cứ độ tuổi nào. Đây là chứng bệnh phổ biến thứ 3 trong số các bệnh lý về nha khoa, chỉ sau sâu răng và bệnh viêm nha chu, khoảng 25% dân số mắc phải chứng hôi miệng với những mức độ khác nhau.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng nặng dù đã vệ sinh thường xuyên, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
1.1 Bệnh lý về răng miệng
Chứng hôi miệng thường là do sự phân hủy protein của các vi sinh vật trong miệng, sản sinh ra các chất như hydrogen sulfide, methyl mercaptan, dimethyl sulfide có mùi khó chịu, nguyên nhân hôi miệng do:
Khi thức ăn sót lại trong miệng hay giữa các kẽ răng, bị vi khuẩn phân hủy, sẽ tạo ra mùi hôi.
Viêm nha chu: Là tình trạng vùng lợi xung quanh răng bị viêm, sưng, tấy đỏ do vi khuẩn. Tình trạng này kéo dài không được điều trị sẽ hình thành các túi vi khuẩn giữa lợi và răng, gây ra chứng hôi miệng.
Sâu răng: Có lỗ hổng ở răng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho vi khuẩn trú ẩn, tăng sinh và gây ra mùi hôi.
Cao răng: Là tình trạng các mảng bám đóng vào chân răng tạo thành môi trường tốt cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây hôi miệng.
Viêm lưỡi: Là nơi mà mảnh vụn thực phẩm dễ bị dính lại và là môi trường tốt cho vi khuẩn phân hủy protein tạo ra mùi hôi.
Khô miệng: Nước bọt có nhiệm vụ giữ cho khoang miệng luôn ẩm, làm sạch miệng, giúp tiêu hóa thực phẩm, giảm tính acid trong miệng và tiêu hóa tinh bột. Khi tính acid ở miệng cao thì vi khuẩn tăng sinh nhiều hơn từ đó gây hôi miệng.
Một số bệnh lý khác như bệnh ung thư, suy gan, viêm loét dạ dày, tắc nghẽn ruột và các bệnh trao đổi chất khác có thể gây ra chứng hôi miệng nặng do sự pha trộn cụ thể của các hóa chất mà chúng tạo ra.
1.2 Hôi miệng do thuốc
Có một số loại thuốc gây khô miệng như: thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc nhóm bệnh thần kinh có tác dụng làm giảm sản xuất nước bọt, làm khô miệng và gây hôi miệng.
Sử dụng kháng sinh không phù hợp và quá mức có thể gây mất vi khuẩn có lợi trong miệng; tạo cơ hội cho nấm miệng phát triển. Sử dụng kháng sinh trong hơn một tháng có thể dẫn đến hôi miệng.
Những người uống bổ sung vitamin với liều lượng lớn cũng có thể dễ bị hôi miệng.
1.3 Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Hút thuốc lá cũng làm giảm lượng nước bọt. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng từ đó gây ra chứng hôi miệng.
Một số thực phẩm có mùi như tỏi, hành và một số loại gia vị mạnh, sau khi được tiêu hóa và hấp thu, các phân tử có mùi vào máu và được bài tiết dần qua phổi và hơi thở, gây hôi miệng.
Thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, cá và phô mai sẽ làm trầm trọng thêm chứng hôi miệng. Bên cạnh đó, chế độ ăn ít carbohydrate cũng có thể làm tăng hôi miệng.
Các thức ăn cứng và khô như khoai tây chiên, đồ ăn vặt, kẹo và sôcôla có thể dính trong các rãnh răng, tạo thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, răng bị sâu và kèm theo hôi miệng.
Răng giả hoặc răng sứ sau khi bọc không được làm sạch thường xuyên hoặc đúng cách cũng có thể chứa vi khuẩn gây hôi miệng.
Chế độ ăn chay và ăn ít carbohydrate có thể gây ra chứng hôi miệng nặng. Khi đốt cháy mỡ, ceton tạo ra trong cơ thể và một số được giải phóng ra hơi thở gây mùi hôi.
2. Dấu hiệu nhận biết và hậu quả của việc hôi miệng
Mùi cụ thể của hơi thở có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân của vấn đề. Tốt nhất là hỏi người thân trong gia đình để đánh giá mùi hôi miệng của bạn, vì rất khó để tự mình đánh giá nó. Nếu không có ai, bạn hãy kiểm tra mùi hổi bằng cách thở ra lòng bàn tay sau đó ngửi.
Bên cạnh đó, một số dấu hiệu thường đi kèm với hơi thở có mùi là cảm thấy vị chua trong miệng, khô miệng, bề mặt của lưỡi trắng hoặc chảy máu nướu răng.
Hậu quả của việc hôi miệng đối với người bệnh:
Hôi miệng xảy ra ở mọi lứa tuổi, mức độ nặng nhẹ tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Chứng hôi miệng ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới tâm lý của người mắc phải. Khảo sát cho thấy:
Hầu hết những ai bị hôi miệng đều có chung cảm giác ngại tiếp xúc với những người khác và luôn thấy mất tự tin về bản thân mình trong khi giao tiếp với đối tác.
Do biết hơi thở qua miệng của mình nặng mùi, thường rất mặc cảm khi nói chuyện với những người xung quanh. Thậm chí, có những người vì sợ người khác phát hiện ra mùi hôi của mình đã hạn chế tới mức tối thiểu việc giao tiếp hằng ngày. Điều này ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới đời sống tinh thần, cũng như những mối quan hệ xã giao của người bệnh.
Hậu quả của việc hôi miệng đối với những người xung quanh:
Khi tiếp xúc với người bị hôi miệng nặng, mùi hôi sẽ khiến mọi người khó chịu trong giao tiếp, và có thể gây ra những phản ứng như né tránh, xa lánh.
Đối với những người bị hôi miệng nặng, ngay cả những người trong gia đình, trong lớp học, trong tổ công tác cũng cảm thấy rất khó khăn khi giao tiếp hằng ngày với nhau, thậm chí xa lánh.
Hôi miệng ở một chừng mực nào đó sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vợ hoặc chồng bị hôi miệng, đối tác sẽ rất ngại tiếp xúc, gần gũi, nếu để lâu dần sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm vợ chồng.
Nếu những người độc thân bị hôi miệng sẽ hạn chế khả năng tìm kiếm một nửa kia, vì vậy, khó lập được gia đình hơn những người khác do ngại tiếp xúc hoặc đối tác không tiếp xúc.
Nguy hiểm nhất của chứng hôi miệng sẽ bị mọi người xa lánh do đó người bệnh tự mình khép kín dần, trở thành người tự kỷ. Bởi vì họ luôn sống trong sợ hãi, lo lắng, có nhiều trường hợp không tìm ra cách chữa cảm thấy cuộc sống bế tắc không lối thoát có thể dẫn đến hậu quả rất xấu, đó là tự tử.
3. Làm gì để phòng tránh hôi miệng?
Biện pháp phòng tránh là uống nhiều nước.
Nếu mắc chứng hôi miệng, bạn cần đi khám bệnh và điều trị theo nguyên nhân nếu do bệnh tật gây ra, hoặc nghe tư vấn trong các trường hợp do lối sống, hay các vấn đề liên quan đến hôi miệng.
Vệ sinh răng miệng thật kỹ và đúng cách sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và sáng sớm mới thức dậy, có thể dùng chỉ nha khoa để lấy hết những mảng thức ăn giữa các kẽ răng, nạo lưỡi sạch mỗi lần đánh răng, bỏ hút thuốc lá.
Hạn chế ăn các loại gia vị có mùi nồng như tỏi, hành. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào…
Người đeo hàm giả, niềng răng cần vệ sinh dụng cụ này mỗi tuần vài ba lần để làm sạch và không cho vi sinh vật trú ngụ, gây hôi miệng.
Nhai kẹo cao su, súc họng với nước muối thường xuyên cũng là phương pháp phòng ngừa có hiệu quả, một số nước súc miệng bán trên thị trường cũng có tác dụng nhất định.
Nguồn: Vinmec
Nha khoa Hùng Cường
Địa chỉ: 460 Xương Giang – P. Ngô Quyền – TP Bắc Giang
Hotline: 02046 292929 – 0375 373555 – 0375 377555 – 0375 376555 – 0844 810555
Website chính thức: Nhakhoahungcuong.com.vn
Facebook: Nha khoa Hùng Cường
Youtube: Nha khoa Hùng Cường
Chat trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa: m.me/nhakhoahungcuong.com.vn
Tìm hiểu thêm về dịch vụ Nhổ răng khôn
Tìm hiểu thêm về dịch vụ Trám răng – Chữa tủy