Răng khôn mọc lệch 90 độ có nên nhổ không?
Bài viết được viết bởi Bác sĩ phụ trách Đơn nguyên Răng – Hàm – Mặt – Khoa Liên Chuyên Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Răng mọc lệch ngầm thường dẫn đến những bệnh lý như viêm quanh thân răng khôn, tăng nguy cơ sâu răng và bệnh nha chu ở răng kế cận và ảnh hưởng tới vấn đề chỉnh nha trong cuộc sống sau này. Xác định các chỉ định cho việc nhổ răng khôn hay còn gọi là răng hàm lớn thứ ba tiếp tục là một chủ đề gây tranh cãi.
1. Có nên nhổ răng khôn mọc lệch không?
Việc nhổ răng khôn là một chủ đề gây tranh cãi giữa các nha sĩ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác, thậm chí các bên thứ ba như các công ty bảo hiểm, các nhà hoạch định chính sách xã hội, cộng đồng.
Việc quản lý theo dõi về răng khôn thường xoay quanh việc xác định sự hiện diện của các triệu chứng hoặc bệnh rõ ràng do răng khôn gây ra. Tuy nhiên cũng giống như trong nhiều các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, sự vắng mặt của các triệu chứng ở răng khôn (còn gọi là răng khôn không triệu chứng) không phải lúc nào cũng phản ánh sự vắng mặt thực sự của bệnh.
Trong lần khám đầu tiên, bác sĩ lâm sàng có thể xác định sự hiện diện hay vắng mặt của các triệu chứng bằng cách khai thác kỹ bệnh sử từ bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân báo cáo rằng họ không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Những bệnh nhân khác phàn nàn về việc mở miệng hạn chế (trismus) hoặc sưng và đau định kỳ ở vùng răng khôn, hoặc họ đã trải qua mùi hôi trong miệng. Nha sĩ sẽ khám lâm sàng, rồi kiểm tra X quang để xác định sự hiện diện hay vắng mặt của bệnh, có tương ứng với các triệu chứng mà bệnh nhân đã từng trải qua hay không.
Nếu không thể nhìn thấy răng khôn, nha sĩ sẽ thực hiện thăm dò nha chu để xác định xem răng có thông thương với khoang miệng không. Bằng cách thăm dò sau răng hàm số 7, nha sĩ có thể tiếp xúc và xác định thấy có răng khôn mọc ngầm. Phát hiện này cho thấy sự hiện diện của ổ viêm mãn tính hoặc nguy cơ làm gây viêm cho bệnh nhân.
Răng là bộ phận quan trọng, giúp một người sử dụng miệng để ăn, nói, cười và tạo hình dạng cho khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, có những sự thật thú vị về răng mà có thể bạn chưa từng biết. Hãy cùng trả lời nhanh 9 câu hỏi trắc nghiệm sau để thử hiểu biết của bạn về răng.
2. Khi nào nên nhổ răng khôn mọc lệch?
Răng khôn mọc lệch được khuyến cáo nhổ trong các trường hợp sau:
Thứ nhất: Gây ra vấn đề về nướu. Răng khôn lệch ngầm chèn ép các răng khác và gây đau và sưng, đặc biệt là khi chúng chỉ mọc ra một phần (tự đẩy lên qua xương hàm và mô nướu vào miệng). Răng mọc một phần (bán ngầm) có thể dẫn đến nhiễm trùng, tạo nang hoặc khối sưng tại mô nướu hoặc xương hàm. Đây là những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của bạn.
Thứ hai: Quá trình mọc lên của răng khôn có thể gây ra tổn hại cho răng lân cận. Các túi xung quanh răng khôn lệch ngầm tạo ra các nơi lắng đọng các mảng bám vi khuẩn, thức ăn, cao răng. Sâu tại chân răng dễ hình thành ở các trường hợp này. Nếu sâu răng phát triển rộng tại chân răng lân cận (răng số 7) thì có thể phải nhổ cả răng khôn và răng số 7, như vậy chức ăn ăn nhai sẽ rất bị ảnh hưởng do răng số 7 là răng hàm có chức năng ăn nhai chính.
Thứ ba: Vị trí của răng cản trở chuyển động của hàm hoặc ảnh hưởng đến chức năng nhai dưới bất kỳ hình thức nào. Các câu hỏi nên đặt ra là: răng khôn có chà sát lên các mô mềm trong miệng của bạn hay không? Nó có khiến bạn cắn vào má không? Có phải thức ăn bị kẹt dưới mô nướu xung quanh răng khôn và gây ra sưng và /hoặc đau nướu trong khi nhai? Đây là những mối quan tâm cần được giải quyết để giữ cho bạn nhai thức ăn tốt và tạo điều kiện cho tiêu hóa tốt.
Thứ tư: Nếu rõ ràng là răng khôn sẽ không mọc lên hoàn toàn và đang: (1) di chuyển về hướng chân răng lân cận hoặc (2) sẽ không bao giờ tiếp xúc với răng đối diện. Răng khôn di chuyển trong xương hàm khi chúng cố gắng mọc lên. Nếu chúng di chuyển theo hướng chân răng liền kề và gây áp lực lên răng này thì sẽ gây tiêu chân răng. Điều này sẽ làm hỏng vĩnh viễn răng kế cận và sẽ phải phẫu thuật trên chân răng bị ảnh hưởng hoặc phải nhổ răng kế cận. Ngoài ra, nếu rõ ràng rằng răng khôn sẽ không tiếp xúc với răng đối diện, thì nó vô dụng về mặt chức năng nhai và những rủi ro của việc giữ chiếc răng khôn này thường có thể vượt xa lợi ích của việc giữ nó. Ngược lại, nếu chiếc răng khôn của bạn mọc ngầm và không gây hại theo bất kỳ cách nào, thì tốt nhất là để nó tại chỗ.
Thứ năm: Răng khôn gây chèn ép và xô lệch các răng phía trước, có thể gây ảnh hưởng tới kết quả chỉnh nha. Chỉ định nhổ răng khôn để niềng răng thường sẽ do các bác sĩ chuyên khoa chỉnh nha đề nghị nhổ tùy theo các giai đoạn trong nắn chỉnh răng.
3. Khi nào không khuyến cáo nhổ răng khôn?
A. Khỏe mạnh ( không có triệu chứng lâm sàng)
B. Răng mọc lên hoàn toàn
C. Vị trí mọc chính xác và không quá chen chúc răng
D. Hoạt động đúng chức năng
Nguồn: Vinmec
Nha khoa Hùng Cường
Địa chỉ: 460 Xương Giang – P. Ngô Quyền – TP Bắc Giang
Hotline: 02046 292929 – 0375 373555 – 0375 377555 – 0375 376555 – 0844 810555
Website chính thức: Nhakhoahungcuong.com.vn
Facebook: Nha khoa Hùng Cường
Youtube: Nha khoa Hùng Cường
Chat trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa: m.me/nhakhoahungcuong.com.vn
Tìm hiểu thêm về dịch vụ Nhổ răng khôn
Tìm hiểu thêm về dịch vụ Trám răng – Chữa tủy